Ngài Pháp Vương Drukpa đã vài lần đến Việt Nam. Vậy truyền thống mà Thầy đang theo có giống truyền thống của đức Pháp Vương hay không? Truyền thống của các thầy và của đức Đạt-lai Lạt-ma có gì khác nhau hay không, dù tất cả đều bắt nguồn từ Tây Tạng?

Giữa các dòng truyền thừa trong Phật giáo Tây Tạng có một chút khác biệt. Đức Đạt-lai Lạt-ma đến từ dòng truyền thừa Gelug. Bảy mươi đến tám mươi phần trăm Phật giáo Tây Tạng theo dòng truyền thừa Gelug. Đây là truyền thừa lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng. Tôi nghĩ truyền thừa Drukpa chiếm tối đa một phần trăm Phật giáo Tây Tạng. Khoảng mười lăm đến hai mươi phần trăm còn lại theo truyền thừa Nyingma. Gia đình tôi theo truyền thừa Nyingma. Tiền thân của tôi theo truyền thừa Gelug, truyền thừa của đức Đạt-lai Lạt-ma. Tôi không theo truyền thừa nào cả [Rinpoche cười]. Tôi tiếp cận Phật pháp theo nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ rằng Phật pháp có thể giúp ích cho tất cả mọi người, kể cả những người không phải là Phật tử. Như buổi chiều nay, chúng ta có buổi đối thoại ngắn về cách thức sống hạnh phúc và phương pháp kiểm soát cơn giận. Tất cả những điều này đều đã được Phật dạy, và tôi chuyển tải thông điệp của Đức Phật theo một cách khác. Nếu tôi đến từ một truyền thừa nào đó, tôi chỉ có thể giúp ích cho Phật tử, đặc biệt là Phật tử theo Phật giáo Tây Tạng; tôi không thể giúp đỡ những người không theo bất cứ tôn giáo nào. Cá nhân tôi cảm thấy những lời khuyên và thông điệp của Đức Phật có thể làm lợi lạc cho tất cả những ai không phải là Phật tử hoặc không theo bất cứ tôn giáo nào. Do đó, có lẽ tôi đến từ một truyền thống mới [Rinpoche cười].