Kính thưa Rinpoche, xin Ngài giảng rõ hơn ý nghĩa của từ thần chú (mantra).

[Trước khi trả lời, Rinpoche hỏi người phiên dịch từ “mantra” trong tiếng Việt nghĩa là gì, từng từ một]

Rinpoche: Từ mantra có nguồn gốc từ tiếng Phạn (Sankrit). Chữ “man” nghĩa là tâm; chữ “tra” có nghĩa là bảo hộ. Mantra có nghĩa là bảo hộ tâm. Điều quan trọng là chúng ta phải bảo hộ tâm của chính mình. Nếu chúng ta không bảo hộ tâm mình thì sẽ có rất nhiều khó khăn xảy ra. Ý nghĩa chính yếu của mantra là bảo hộ tâm mình.

Rinpoche hỏi người đặt câu hỏi,“Anh gặp tôi đây là lần đầu tiên hay lần thứ mấy?”Người hỏi trả lời là đã nhiều lần. Rinpoche hỏi, “Anh có học lớp Skype không?”Người hỏi trả lời “không.” Rinpoche nói, “Bởi anh không học lớp Skype nên tôi sẽ giải thích dài hơn về Phật pháp và việc luyện tâm trong Phật giáo.”

Nói đến mantra có nghĩa là bảo hộ tâm. Bảo hộ tâm có nghĩa là khi trì tụng thần chú, chúng ta phải thực hành thiền định. Thiền định xong rồi tụng thần chú. Sau đó chúng ta lại tiếp tục thiền định và trì tụng thần chú. Cứ làm liên tục như vậy. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể bảo hộ tâm mình. Khi thực hành trì tụng thần chú, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa thần chú và phương cách thực hành đúng đắn. Khi trì tụng câu thần chú Om Mani Padme Hum, chúng ta phải biết khi trì tụng cần tư duy như thế nào. Khi hiểu rõ chúng ta mới tư duy đúng cách. Nhiều người thực hành bằng cảm xúc nhiều hơn là lý trí, nhưng để đem lại lợi lạc thì chúng ta phải thực hành dựa trên nền tảng là hiểu biết; như vậy mới có ích cho bản thân. Khi thực hành bằng cảm xúc, cảm xúc có thể đến rất mãnh liệt nhưng cũng có lúc rất mờ nhạt. Tuy nhiên khi thực hành dựa trên sự hiểu biết thì sẽ rất ổn định. Cảm xúc của chúng ta rất bất ổn. Do đó trì tụng thần chú là phương tiện bảo hộ tâm mình. Đó cũng chính là phương tiện luyện tâm.