• Khi tụng thần chú (mantra) thì có lợi ích gì? Cơ chế nào, cách tụng thần chú nào tốt nhất để mang lại lợi ích?
    Thực hành lamrim & Thiền

    Tụng thần chú mang lại nhiều lợi lạc và có nhiều mức độ lợi lạc. Trì tụng thần chú kết hợp tư duy và thiền định đúng cách sẽ mang đến cho ta rất nhiều lợi lạc. Thần chú mang lại lợi lạc cho chúng ta vì âm thanh của thần chú đã được gia trì. Có một cuộc thí nghiệm trên một cánh đồng trồng rau quả. Dọc theo cánh đồng người ta đặt máy phát ra âm thanh thần chú. Kết quả người ta thấy rằng rau quả trên cánh đồng đó sinh sôi tốt hơn. Thần chú tác động và đem lại lợi lạc cho chúng ta vì âm thanh đó được gia trì, nhưng sự gia trì và tác động đến từ việc tư duy và thiền định của chúng ta lại mãnh liệt hơn, nó có tác động mãnh liệt hơn âm thanh trì tụng ngoài miệng. Tôi không trì tụng thần chú nhiều [Rinpoche cười]. Tôi tư duy và quán tưởng nhiều hơn, vì đó là cách tác động và mang lại lợi lạc cho chúng ta nhiều hơn việc trì tụng thần chú. Chỉ cần năm phút mỗi ngày đã mang đến rất nhiều lợi lạc. Việc trì tụng thần chú cũng rất tốt và mang đến lợi lạc, nhưng thực hành thiền định sẽ mang đến lợi lạc cho chúng ta nhiều hơn. Thần chú mang đến lợi lạc vì những âm thanh đó mang năng lực gia trì.

  • Ý nghĩa của hai câu thần chú của đức Văn Thù và đức Quán Thế Âm là gì?
    Thực hành lamrim & Thiền

    Thần chú của ngài Quán Thế Âm là Om Mani Padme Hum. Tôi thấy Phật tử Việt Nam thường trì tụng thần chú Om Mani Padme Hum mỗi khi có vị lạt-ma quang lâm thuyết giảng. Tôi nghĩ đây là truyền thống của Việt Nam. Ở Tây Tạng không ai làm như vậy [Rinpoche cười]. Bây giờ là ý nghĩa của câu thần chú Om Mani Padme Hum. Đầu tiên chúng ta phải hiểu chủng tự Om. Om có nghĩa là gì? Bản thân chủng tự Om là sự kết hợp của ba âm, đó là A, U, MA. Kết hợp ba âm này lại với nhau sẽ được Om. Ba âm này biểu trưng cho thân, khẩu, ý của Phật. Sau Om là Mani. Mani là châu báu. Châu báu tượng trưng cho trí tuệ. Padme là hoa sen, hoa sen tượng trưng cho từ bi, đồng thời đó cũng chính là danh hiệu của đức Quán Thế Âm [Liên Hoa]. Một ý nghĩa của thần chú này là “Ồ đức Quán Thế Âm! Hãy ban gia trì cho con!” Câu này cũng có ý nghĩa là “Ồ ngài Liên Hoa! Hãy ban gia trì cho con!” Bởi đức Quán Thế Âm có một hạnh nguyện “Bất cứ ai khi gặp khó khăn, nếu nhớ đến tên của ta thì ta sẽ hộ trì cho người đó.” Câu thần chú Om Mani Padme Hum cũng có sáu âm, sáu âm này đại diện cho sáu cõi. Chúng ta biết sáu cõi là gì không? Tôi không nhớ rõ sáu cõi này là gì, có lẽ nhờ bạn Ngọc nhắc lại cho chúng ta. [Ngọc nhắc: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời và atula; sau đó Phong nhắc lại. Rinpoche hỏi đại chúng Phong nói đúng không, mọi người nói“đúng”] Rất tốt, nếu chúng ta đã học và có hiểu biết, khi người khác nói gì mình sẽ biết họ nói đúng hay sai! Sáu âm trong câu thần chú này biểu trưng cho sáu cõi. Khi sinh ra trong luân hồi, chúng ta sinh vào sáu cõi này. Câu thần chú này cũng có nghĩa là “Bất cứ nơi nào con sinh ra trong cõi luân hồi này, con xin nguyện đức Quán Thế Âm hãy hộ trì cho con!” Câu thần chú này cũng có nghĩa là phương tiện để chúng ta thoát khỏi luân hồi. Phương tiện đó là gì? Đó chính là Mani và Padme, nghĩa là trí tuệ và từ bi. Chỉ có sự kết hợp giữa trí tuệ và từ bi mới tạo thành phương tiện thoát khỏi luân hồi. Nhưng tôi nghĩ ý nghĩa chính của câu thần chú này là “Ồ, ngài Liên Hoa! Xin hãy ban gia trì cho con!” vì đức Quán Thế Âm có một thệ nguyện “Bất cứ ai khi gặp khó khăn, nếu nhớ đến tên của ta thì ta sẽ hộ trì cho người đó.”

    Thần chú của ngài Văn Thù là Om Ah Ra Pa Sa Na Dhi, tôi sẽ giảng ý nghĩa khi ban quán đảnh đức Phật Văn Thù. Có lẽ tôi sẽ nghiên cứu thêm về ý nghĩa và sẽ giải đáp sau! [Rinpoche cười]

  • Thưa Rinpoche, khi tụng chú thì thỉnh thoảng con cảm thấy nóng và cảm thấy nơi tim nóng nhiều. Đôi lúc ngồi thiền con thấy cây quy y thoáng qua trước mặt. Nguyên nhân là gì?
    Thực hành lamrim & Thiền

    Câu hỏi này tôi sẽ bàn sau. Tôi nghĩ chỉ những người học lớp Skype mới đặt những câu hỏi này [Rinpoche cười].

  • Kính thưa Ngài, khi trì chú con vừa quán tưởng vị Phật trên đầu con, như vậy có đúng không? Xin Ngài chỉ rõ cho con!
    Thực hành lamrim & Thiền

    Tôi sẽ nói với quý vị một điều. Chúng ta đến KFC, khi chúng ta trả tiền, người ta đưa hóa đơn cho mình. Nếu chúng ta đem hóa đơn đó đến McDonald thì cửa hàng McDonald có chấp nhận hóa đơn đó không? Nếu mình đem hóa đơn đó đến Lotteria thì họ có chấp nhận không? Tôi nghĩ những cửa hàng khác sẽ không chấp nhận hóa đơn này. Có rất nhiều thần chú của các vị Phật. Khi trì tụng, chúng ta phải biết câu thần chú đó là của vị Phật nào. Nếu mình niệm chú của đức Văn Thù nhưng lại quán tưởng đức Phật Thích Ca thì không phù hợp. Nếu trì tụng thần chú và quán tưởng ruộng phước thì cũng phù hợp, vì trên ruộng phước đã có tất cả những vị Phật. Nếu quán tưởng như vậy thì không sao.

  • Là Phật tử Kim Cang Thừa, con chỉ trì tụng thần chú mà không đi sâu vào vô thượng du già, vì lý do sức khỏe, bệnh tật nên không thực hành Ngondro. Như vậy có đúng không?
    Thực hành lamrim & Thiền

    Đối với Kim Cang Thừa, Ngondro không quan trọng. Những thực hành Ngondro và những thực hành ở giai đoạn thành tựu cần phải được tiến hành song song với nhau. Khi học Ngondro chúng ta được dạy phải lễ lạy mấy trăm ngàn lạy; con số đó cũng không quan trọng. Quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng. Khi lễ lạy, dù chỉ lạy một lần thì chúng ta cũng phải làm có chất lượng, số lượng không quan trọng. Khi nói đến Ngondro người ta nhấn mạnh số lượng chứ không phải chất lượng. Trong tiếng Anh có một câu nói “chất lượng quan trọng hơn số lượng.” Ngondro chú trọng hơn về số lượng nhưng điều đó không quan trọng. Nếu chúng ta chuyên tâm lễ lạy thì hãy lễ lạy có chất lượng. Nếu chúng ta lễ lạy theo số lượng thì điều đó không đúng. Khi nói mình phải lễ lạy 100 lạy thì chỉ nói đến số lượng thôi, không nói đến chất lượng. Do đó khi thực hành Kim Cang Thường thì chúng ta phải chú ý đến chất lượng, dù lễ lạy một lạy hay trì tụng chỉ một tiếng thần chú thì chúng ta cũng nên làm có chất lượng. Nếu cần làm mười hay mười lăm lần thì chúng ta cũng đừng chú ý đến số lượng. Dù chỉ làm một lần cũng phải tập trung vào chất lượng. Tôi có nghe một điều, có một người phụ nữ muốn thực hành lễ lạy và cô này quyết định sẽ thực hiện vài ngàn lạy. Khi đó có một người hỏi cô ta tại sao cô lại thực hành như vậy, có ý nghĩa gì. Cô ta nói rằng chỉ nhìn vào cây quy y và lễ lạy thôi. Cô ta chỉ tập trung vào số lượng và thực hành lễ lạy như vậy thôi, không có suy nghĩ gì ở trong đầu. Cô ta chỉ tập trung vào số lượng, không chú trọng đến chất lượng. Điều quan trọng là chúng ta phải làm có chất lượng. Nếu chỉ làm một lần, hãy làm với chất lượng! Nếu chúng ta làm 100 lần mà không có chất lượng thì chẳng có lợi ích gì, chỉ tốn thời gian nếu chỉ nhìn vào cây quy y và lạy như vậy. Những pháp hành đó khi thực hành chúng ta phải chú ý đến chất lượng chứ đừng chú ý đến số lượng. Khi chúng ta tập trung vào chất lượng đó mới là thực hành chân thật.

  • Khi trì chú con nên mở mắt hay nhắm mắt? Khi nhắm mắt con quán dễ hơn và thấy tâm thanh tịnh, nhưng nhắm mắt trước bàn thờ Phật thì có phạm giới luật không?
    Thực hành lamrim & Thiền

    Nhắm mắt trước bàn thờ Phật không phạm giới, không có gì sai phạm khi làm như vậy. Câu hỏi này làm tôi nhớ đến một điều. Thời gian rồi khi hành hương ở vùng Bắc Ấn, tôi có đi cùng với vài đứa trẻ. Tôi có gọi một đứa trẻ là Shrimpizza (bé Pizza Tôm) nên có một đứa khác hỏi tôi, “Đứng trước đức Phật mà lại gọi tên những món hải sản thì có phạm giới không?”[Rinpoche và đại chúng cười] Do đó nhắm hay mở mắt trước bàn Phật đều không hề phạm giới. Chủ yếu là do hành động, chính những hành động của bản thân khiến chúng ta phạm giới hay không. Những hành động đó đúng hay sai xuất phát từ động cơ. Với động cơ tốt thì hành động của chúng ta không phải là ác nghiệp, nhưng với động cơ bất thiện thì đó chính là ác nghiệp. Do đó, chúng ta có thể nhắm mắt hay mở mắt tùy vào bản thân. Bởi đối với thiền và trì tụng thần chú, chúng ta không thể tập trung làm hai việc đó cùng một lúc; do đó, chúng ta nên hành thiền, tư duy, quán tưởng trước rồi sau đó trì tụng thần chú, rồi sau đó lại tiếp tục thiền định. Nếu chúng ta bắt đầu ngay với việc đó thì càng ngày nó sẽ trở nên dễ hơn đối với mình. Hiện tại khi trì tụng thần chú, trong tâm chúng ta có thể nghĩ đến rất nhiều việc. Thậm chí khi trì tụng thần chú trong tâm ta nghĩ rất nhiều điều không tốt. Nguyên nhân do chúng ta thực hành sai. Chúng ta không thể, không có khả năng thiền định trong lúc trì tụng thần chú; do đó hãy thiền định trước rồi trì tụng thần chú sau, và sau đó tiếp tục thiền định rồi lại trì tụng thần chú, cứ liên tục như vậy.

  • Thưa Thầy, có sự khác biệt nào giữa Quy Y Tam Bảo và Tứ Quy Y không?
    Thực hành lamrim & Thiền

    Tứ Quy Y đến từ mật điển. Trong mật điển chúng ta có Bốn Ngôi Báu là đối tượng quy y. Trong mật điển, chúng ta quy y Đạo Sư, rồi mới quy y Phật. Quy y Phật sau quy y Đạo Sư. Điều này đến từ mật điển. Trong mật điển, Đạo Sư được nhắc đến trước Phật vì mật điển đề cập rất nhiều đến việc nhận gia trì. Để nhận gia trì của chư Phật thì quý vị phải nhận gia trì thông qua Đạo Sư của mình. Vì vậy trong mật điển, Đạo Sư được nêu trước Phật. Không có khác biệt lớn nữa Quy Y Tam Bảo và Tứ Quy Y. Quý vị thực hành bên nào cũng được.

  • Thực hành bồ đề tâm có phải là chúng con đang tạo nhân lành để nhận quả lành sau này không?
    Thực hành lamrim & Thiền

    Pháp hành bồ đề tâm là để tích lũy nhiều công đức và vận may.

  • Thầy dạy rằng khi hành thiền chúng con nên nhắm mắt, và khi quy y phải quán tưởng Ruộng Phước. Xin Thầy hãy hướng dẫn chúng con quán tưởng Ruộng Phước!
    Thực hành lamrim & Thiền

    Phần Ruộng Phước sẽ đến sau, đề tài tiếp theo sẽ là Ruộng Phước. Chủ đề tiếp theo là cách quán tưởng Ruộng Phước. Tôi nghĩ ở Ngày thứ 5. Có lẽ vào Chủ Nhật tới. Đó là chủ đề của Chủ Nhật tới.

  • Thầy dạy khi thở vào chúng con quán tưởng nhận hết khổ đau của chúng sinh và khi thở ra cho chúng sinh hạnh phúc của mình. Trước hết, làm sao con có được hạnh phúc để cho hết thảy chúng sinh, và điểm thứ hai là sau khi nhận về khổ đau của chúng sinh thì con làm gì với khổ đau đó trong tâm mình?
    Thực hành lamrim & Thiền

    Khi nhận về khổ đau của hết thảy chúng sinh, quý vị nghĩ rằng có luồng tia màu đen đi vào lỗ mũi trái của quý vị và khi luồng tia đen đó đi vào cơ thể quý vị, nó phá tan tất cả ác nghiệp của quý vị. Khi trao tặng hạnh phúc cho chúng sinh, quý vị quán tưởng luồng tia màu trắng thoát ra từ lỗ mũi phải của quý vị và hòa tan vào hết thảy chúng sinh.