-
Ngài Pháp Vương Drukpa đã vài lần đến Việt Nam. Vậy truyền thống mà Thầy đang theo có giống truyền thống của đức Pháp Vương hay không? Truyền thống của các thầy và của đức Đạt-lai Lạt-ma có gì khác nhau hay không, dù tất cả đều bắt nguồn từ Tây Tạng?
Chủ đề khác
Giữa các dòng truyền thừa trong Phật giáo Tây Tạng có một chút khác biệt. Đức Đạt-lai Lạt-ma đến từ dòng truyền thừa Gelug. Bảy mươi đến tám mươi phần trăm Phật giáo Tây Tạng theo dòng truyền thừa Gelug. Đây là truyền thừa lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng. Tôi nghĩ truyền thừa Drukpa chiếm tối đa một phần trăm Phật giáo Tây Tạng. Khoảng mười lăm đến hai mươi phần trăm còn lại theo truyền thừa Nyingma. Gia đình tôi theo truyền thừa Nyingma. Tiền thân của tôi theo truyền thừa Gelug, truyền thừa của đức Đạt-lai Lạt-ma. Tôi không theo truyền thừa nào cả [Rinpoche cười]. Tôi tiếp cận Phật pháp theo nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ rằng Phật pháp có thể giúp ích cho tất cả mọi người, kể cả những người không phải là Phật tử. Như buổi chiều nay, chúng ta có buổi đối thoại ngắn về cách thức sống hạnh phúc và phương pháp kiểm soát cơn giận. Tất cả những điều này đều đã được Phật dạy, và tôi chuyển tải thông điệp của Đức Phật theo một cách khác. Nếu tôi đến từ một truyền thừa nào đó, tôi chỉ có thể giúp ích cho Phật tử, đặc biệt là Phật tử theo Phật giáo Tây Tạng; tôi không thể giúp đỡ những người không theo bất cứ tôn giáo nào. Cá nhân tôi cảm thấy những lời khuyên và thông điệp của Đức Phật có thể làm lợi lạc cho tất cả những ai không phải là Phật tử hoặc không theo bất cứ tôn giáo nào. Do đó, có lẽ tôi đến từ một truyền thống mới [Rinpoche cười].
-
Chúng tôi chỉ hiểu có một phái Mật tông Tây Tạng xuất phát từ đạo Phật, nhưng chúng tôi lại thấy có Đạt-lai Lạt-ma, có những người mang tên Drukpa và Ngài mang tên Rinpoche. Xin Ngài giải thích những điểm chung và những điểm khác nhau. Môn phái Thầy đang theo khác với Đại thừa, Tiểu thừa như thế nào?
Chủ đề khác
Chúng tôi đến từ Phật giáo Tây Tạng. Phật giáo Tây Tạng tập trung chủ yếu vào ba thừa: Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cang Thừa; và cũng chú trọng vào nhiều pháp thực hành. Quý vị có thể thấy Phật giáo Tây Tạng nhấn mạnh hai điểm chính: tu học và thực hành.
Chúng tôi học những gì trong Phật giáo Tây Tạng? Có vài lĩnh vực chúng tôi phải học. Thứ nhất, chúng tôi học lý luận Phật giáo. Lý luận Phật giáo là một môn học mang tính khoa học rất cao. Chúng tôi chứng minh mọi điều qua lập luận bằng lý lẽ. Lấy thí dụ về lòng bi mẫn. Chúng ta phải thực hành lòng bi mẫn, vậy lợi ích của nó là gì? Lòng bi mẫn là gì? Làm thế nào thể thực hành lòng bi mẫn? Tất cả đều bằng lý lẽ. Chúng tôi học lý luận, rồi học tất cả các giai đoạn thực hành. Sau đó, chúng tôi học tất cả đạo lộ của hàng bồ-tát Đại Thừa. Đó là những gì chúng tôi học, và chú trọng vào thực hành. Khi học, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác. Sau đó, chúng tôi sẽ học Kim Cang Thừa. Chúng tôi cần tối thiểu 18 năm để học Phật pháp. Nếu học chuyên sâu, tôi nghĩ phải cần ít nhất 21 đến 22 năm. Tôi đã học trong 18 năm, chỉ học trong suốt khoảng thời gian đó. Sau đó, chúng tôi học Kim Cang Thừa.
Kim Cang Thừa chủ yếu nói đến phương pháp dùng năng lượng của cơ thể, tâm và khí vi tế để kích hoạt thức vi tế. Tất cả những điều này được nói đến trong Kim Cang Thừa. Mục đích là kích hoạt thức vi tế. Kim Cang Thừa cũng dạy cách đón nhận gia trì từ nguồn năng lượng bên ngoài vào cơ thể chúng ta. Chẳng hạn như khi chúng ta cầu nguyện với chư Phật và chư Bồ-tát, năng lực gia trì tích cực sẽ đến.
Sáng nay tôi đã kể với quý vị về thí nghiệm trên ba chén cơm. Với chén thứ nhất, chúng tôi chạm tay vào và cầu nguyện. Chén thứ hai, chúng tôi chỉ cầu nguyện. Đối với chén thứ ba, chúng tôi không cầu nguyện hay chạm vào. Chúng ta có thể thấy cơm được cầu nguyện và cơm không được cầu nguyện rất khác nhau. Như tôi đã nói sáng nay, chén cơm không được cầu nguyện đã hỏng trong bảy ngày. Hai chén cơm còn lại vẫn chưa bị hỏng sau mười một hoặc mười hai ngày. Tôi có giữ lại hình ảnh trong máy tính của tôi. Giữa chén cơm được chạm vào và chén cơm không được chạm vào cũng có khác biệt rất lớn. Khi chạm vào cơm thì chúng tôi thấy hiệu quả hơn. Vì vậy, đôi lúc năng lượng có thể luân chuyển ra khỏi cơ thể chúng ta. Do nghiệp của mỗi người khác nhau nên một số người có cơ thể khá nhạy cảm trong việc tiếp nhận năng lượng. Một số người cảm thấy năng lượng luân chuyển trong cơ thể mình rất mãnh liệt, đó là do nghiệp của họ. Tôi sẽ chỉ cho quý vị một thí nghiệm có thật. Bây giờ hãy cọ xát hai bàn tay của quý vị vào nhau, sau đó đặt tay lên phía trên đỉnh đầu, cố gắng theo dõi sức nóng lan tỏa đến nơi nào trên cơ thể quý vị: khắp cơ thể, đầu, hay nơi nào khác. Trên đỉnh đầu có một luân xa, chúng ta hãy theo dõi xem năng lượng đó chạy khắp cơ thể như thế nào, sức nóng đi đến bộ phận nào trong cơ thể. Khi đặt tay như vậy, hãy quán tưởng có luồng ánh sáng trắng từ tay đi vào cơ thể. Hãy giữ yên lặng và làm như vậy hai hoặc ba lần để tập trung theo dõi sức nóng. Hãy nhắm mắt lại! Khi làm như vậy, quý vị sẽ cảm thấy cường độ năng lượng đi vào cơ thể như thế nào. Tuy nhiên, cường độ đó không giống nhau đối với tất cả mọi người. Một số người sẽ cảm nhận rất mãnh liệt, một số khác thì không cảm nhận được như vậy. Theo tôi, do nghiệp nên một số người có thể rất nhạy cảm với năng lượng.
Thực hành trong Kim Cang Thừa chủ yếu làm việc với những đối tượng của tâm và phải thực hành quán tưởng nhiều điều. Đây là một trong những điểm trọng yếu mà Kim Cang Thừa tập trung vào. Tuy nhiên, đối với mọi pháp hành, điểm trọng yếu nhất là tâm bồ-đề. Tâm bồ-đề là tâm mong ước làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh hữu tình. Làm lợi lạc cho chúng sinh hữu tình là điểm trọng yếu của tất cả mọi pháp hành Phật giáo. Đối với tất cả mọi pháp hành, dù quý vị đang thực hành pháp môn nào, hãy nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sinh hữu tình. Khi đánh mất tâm niệm này, chúng ta mất tất cả mọi thực hành Phật pháp. Khi nghĩ mình thực hành vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, khi đó việc thực hành Phật pháp mới bắt đầu và có thể được hoàn tất. Do đó, mỗi khi tôi giảng Pháp, tôi thường nghĩ nếu lời tôi nói làm lợi lạc dù chỉ cho một người thì tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Chính vì luôn nghĩ như vậy nên tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, tôi nghĩ đó là một lý do. Khi chúng tôi học, thầy của chúng tôi đã khá lớn tuổi. Khi chúng tôi đến tìm thầy, dù đang ngủ nhưng thầy tôi cũng lập tức thức dậy. Thầy không bao giờ nói rằng ngài không thể giảng dạy. Hiện tại thầy tôi đã chín mươi mốt tuổi. Chúng tôi vẫn đến hỏi thầy về Phật pháp, thầy vẫn tiếp tục dạy chúng tôi. Thậm chí khi chỉ nói được mười phút thầy đã bắt đầu ho, nhưng thầy vẫn tiếp tục dạy, vì vậy chúng tôi phải ngừng hỏi. Thầy tôi nói ngài luôn cầu nguyện rằng, “Nếu cuộc sống của tôi có thể mang lại lợi lạc cho người khác, có thể giúp ích cho bất kỳ chúng sinh nào thì nguyện cho tôi được sống. Nếu tôi không mang lại lợi lạc cho người khác, không giúp ích cho bất kỳ chúng sinh nào thì nguyện cho tôi được chết.” Ngài luôn nói như vậy. Đó chính là thực hành tâm bồ-đề. Đây chính là điểm trọng yếu của Phật giáo. Đây cũng là điểm chung xuyên suốt tất cả các truyền thống Phật giáo.
-
Bóng đè có phải là một hiện tượng tâm linh hay không?
Chủ đề khác
Đôi khi mọi thứ không liên quan đến ma mà do một vài chức năng của cơ thể. Nếu bạn không thể giải thích được hiện tượng gì đó thì không có nghĩa là nó liên quan đến ma. Một số người tin rằng có ma và họ cố liên hệ vài chuyện có liên quan đến ma; một số người thì tin vào Thượng Đế và họ cố gắng liên hệ các thứ với Thượng Đế, vì không thể lý giải việc đó một cách hợp lý. Chứng tê liệt trong giấc ngủ là một dạng bệnh. Ở Tây Tạng, có rất nhiều sự việc người ta cố gắng gắn liền chúng với những vị bảo hộ đất đai. Đó không phải là Thượng đế, đó cũng không phải là ma quỷ mà là thứ ở giữa hai thứ đó. Ở Việt Nam, có nhiều thứ các bạn đang cố gắng ghép nó với ma quỷ, ở Tây Tạng chúng tôi gọi là các vị bảo hộ đất đai, không phải là ma lẫn bổn tôn, mà là một thứ gì đó ở giữa hai thứ đó.
-
Những cuốn sách về Kim Cang Thừa được dịch ở Việt Nam hay nói về bản tánh của tâm, tâm chân như. Vậy đó là gì?
Chủ đề khác
Bản tánh của tâm là tánh không. Bản tánh chân thật của tâm là tánh không. Vì còn nhiều câu trả lời nên tôi sẽ đưa ra câu trả lời ngắn.
-
Khi thực hành cúng dường trong Guru Puja thì chúng con phải quán tưởng như thế nào? Chúng con có cần quán tưởng chi tiết không?
Chủ đề khác
Điều đó tùy thuộc vào thời gian của quý vị. Nếu thời gian hạn hẹp, quý vị chỉ cần quán tưởng Ruộng Phước. Chỉ cần làm như vậy. Nếu có thời gian rỗi thì quý vị có thể thực hành quán tưởng Ruộng Phước chi tiết. Điều quan trọng là khi quán tưởng Ruộng Phước, khi quán tưởng bất cứ vị bổn tôn nào, quý vị phải nghĩ rằng bản tánh của Ruộng Phước và bản tánh của các vị bổn tôn chính là tánh không. Quý vị gọi “emptiness” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch: “Tánh không”] “Tánh” nghĩa là gì? [Người dịch: “Nature”] Còn “không” nghĩa là gì? [Người dịch: “Emptiness”]
Phật giáo có hai khía cạnh chính, đặc biệt là trong Phật giáo Đại thừa và Mật điển. Một khía cạnh là tánh không, khía cạnh kia là bồ đề tâm. Đây là hai khía cạnh chính của Phật giáo Đại thừa và Mật điển. Thiếu vắng hai điều này thì Mật điển Phật giáo, Kim cang thừa Phật giáo và Kim cang thừa ngoại đạo đều như nhau; rất khó để phân biệt. Dịp nọ, tôi dự một lễ hỏa tịnh của mật giáo ngoại đạo. Nó hoàn toàn giống với những gì chúng ta tiến hành. Phần nghi lễ hoàn toàn giống. Một dịp khác, có một Phật thỉnh cầu tôi tiến hành lễ hỏa tịnh, nghi lễ này xuất phát từ mật điển phi Phật giáo. Chúng ta chỉ có thể chỉ ra điểm khác biệt duy nhất giữa Mật điển Phật giáo và mật điển ngoại đạo; đó là hai khía cạnh: tánh không và bồ đề tâm. Người Việt Nam quý vị rất thích Kim cang thừa; cho nên quý vị phải hiểu điểm khác biệt giữa Kim cang thừa Phật giáo và Kim cang thừa ngoại đạo; nếu không thì chẳng có gì khác biệt. Quý vị có thể thấy chùy kim cang và chuông. Chùy kim cang là biểu tượng của bồ đề tâm. Chuông là biểu tượng của tánh không. Quý vị gọi “vajra” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch: kim cang] Tôi nghĩ cách gọi đó đến từ tiếng Trung Hoa, họ gọi là “jīngāng.” Tôi nghĩ từ đó xuất phát từ tiếng Trung Hoa. Khi nhìn vào chuông, phía trong của chuông trống rỗng phải không? Chính vì vậy, chuông là biểu tượng của tánh không. Quý vị phải cầm chuông bằng tay trái. Tay phải của quý vị [cầm chùy kim cang] phải cao hơn tay trái. Điều đó cho thấy bồ đề tâm quan trọng hơn tánh không. Quý vị có hiểu ý tôi không? Mỗi khi cầm chùy kim cang, quý vị phải cầm như thế này, và quý vị lắc chuông như thế này [Rinpoche minh họa]. Tất cả quý vị đều thấy tôi chứ? Chùy kim cang phải được giữ cao hơn chuông. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải xem trọng bồ đề tâm hơn tánh không. Quý vị rõ không? Nếu quý vị thích Kim cang thừa mà không hiểu ý nghĩa thì chẳng được gì cả. Mỗi khi quý vị quán tưởng bổn tôn hay Ruộng Phước, nếu thiếu vắng hai điểm này thì rất khó nói những gì quý vị đang thực hành là Mật điển Phật giáo hay mật điển ngoại đạo.
-
Khi phóng sinh, có được phép quán Ruộng Phước để cầu nguyện cho chúng sinh được phóng thả không?
Chủ đề khác
Điều đó rất tốt, quý vị có thể làm như vậy. Tôi nghĩ bây giờ quý vị đã hiểu Phật pháp nhiều hơn. Khi tôi đến Việt Nam, quý vị luôn hỏi “Con nên tụng câu chú nào?” [Rinpoche cười] Bây giờ thì mọi thứ đã tốt hơn trước rất nhiều. Đây chính là pháp hành bồ đề tâm tốt nhất, nghĩ đến hết thảy chúng sinh, quán tưởng Ruộng Phước và cầu nguyện. Có một câu nói, “Khi thực hành bồ đề tâm trong một khoảnh khắc thì bạn tích tập được vô lượng công đức.” Khi quý vị tích tập được vô lượng công đức thì mọi chướng ngại tự chúng được tiêu trừ. Khi thiếu công đức thì quý vị sẽ gặp rất nhiều chướng ngại.
-
Xin Ngài dạy cho chúng con về tánh không. Khi chúng con quán tưởng Ruộng Phước, làm thế nào chúng con biết mình đã kết hợp được tánh không trong lúc thực hành?
Chủ đề khác
Câu hỏi này đến trước hay đến sau câu hỏi ở trên? [Người dịch: Câu hỏi này đã có sẵn trong danh sách.] Phần tánh không có lẽ chậm một chút, tánh không phải được giảng giải dựa vào kinh nghiệm. Quý vị hãy chờ, tôi sẽ giảng sau. Đôi khi quý vị phải chờ [Rinpoche cười]. Chúng ta phải xây chắc phần căn bản trước.
-
Kính thưa Rinpoche, xin ngài giải thích cho chúng con: Cúng dường mandala 37 tụ và cúng dường mandala 23 tụ, có điều gì khác nhau không ạ?
Chủ đề khác
Không có khác biệt lớn giữa hai việc này. Điểm khác biệt chính là mandala 37 tụ chi tiết hơn. Khi quý vị cần cúng dường thật chi tiết thì có thể thực hành mandala 37 tụ. Không có khác biệt lớn giữa thực hành mandala 23 tụ và 37 tụ. Thông thường, cách cúng dường dễ nhất là dâng cúng bản thân quý vị cùng toàn thể cõi giới.
-
Xin thầy dạy cho chúng con cách quán tưởng đức Kim Cang Trì trong tim đức Thế Tôn. Phương pháp quán tưởng này rất khó, xin thầy hướng dẫn
Chủ đề khác
Trước hết, khi bắt đầu thực hành quán tưởng đức Kim Cang Trì trong tim đức Phật Thích Ca, quý vị chỉ cần nghĩ rằng đức Kim Cang Trì ngự nơi tim đức Phật Thích Ca. Quán tưởng như vậy khó một chút. Khi quán tưởng Ruộng Phước, trước hết quý vị quán tưởng bậc Đạo Sư, rồi quán tưởng đức Phật Thích Ca nơi tim của Đạo Sư. Nơi tim của đức Phật Thích Ca, quý vị quán tưởng có đức Kim Cang Trì. Tôi nghĩ tôi đã nói qua phần này phải không? [Người dịch: Dạ phải.] Bây giờ tôi có một câu hỏi. Sau khi quán tưởng đức Kim Cang Trì thì quý vị phải quán tưởng điều gì nữa?
Người dịch: Đạo tràng Hồ Chí Minh trả lời “chủng tự HUM.”
Đúng như vậy! Tôi nghĩ quý vị đã giỏi hơn rồi [Rinpoche cười]. Bây giờ tôi hỏi quý vị câu thứ hai. Quý vị phải quán tưởng chủng tự HUM bằng ngôn ngữ nào? Tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng hay tiếng Việt?
Người dịch: Đạo tràng Hà Nội trả lời quán tưởng bằng tiếng Tây Tạng.
Thế còn ở Hồ Chí Minh?
Người dịch: Đạo tràng Hồ Chí Minh có vài câu trả lời. Vài người nói quán tưởng bằng tiếng Việt, một số khác nói rằng cách nào thuận tiện nhất thì quán tưởng theo cách đó.
Câu trả lời đúng là bất cứ cách nào quý vị cảm thấy thuận tiện nhất. Ở Ấn Độ, người ta quán tưởng bằng tiếng Phạn khi thực hành Mật điển, còn người Tây Tạng thì quán tưởng bằng Tạng ngữ. Khi Mật điển vào Việt Nam thì quý vị nên quán tưởng bằng tiếng Việt. Hãy quán tưởng bằng bất cứ cách nào quý vị cảm thấy thuận tiện. Trong Mật điển, sẽ tốt hơn nếu chúng ta thêm hai biểu tượng vào chữ HUM tiếng Việt. Đó là biểu tượng bán nguyệt và giọt nước. Quý vị có muốn tôi ghi ra không? Có thể bây giờ điểm này chưa quan trọng, nhưng sau này, khi quý vị hiểu nhiều hơn rồi thì tôi sẽ giải thích. Đối với Mật điển Phật giáo, ở Ấn Độ người ta quán tưởng bằng tiếng Phạn. Khi Mật điển vào Tây Tạng thì người ta quán tưởng bằng Tạng ngữ. Bây giờ quý vị có thể quán tưởng bằng tiếng Việt. Hiện tại, quý vị không thể nào cùng lúc quán tưởng tất cả, không thể được. Quý vị hãy quán tưởng đức Phật Thích Ca trước, rồi quán tưởng đức Kim Cang Trì, sau đó mới quán tưởng chủng tự HUM trong tim đức Kim Cang Trì. Khi quý vị có thể đồng thời quán tưởng tất cả thì đó là một giai đoạn khá cao của việc hành trì. Trong Mật điển có hai giai đoạn; đó là giai đoạn tự sinh khởi (self-generating stage) và giai đoạn thành tựu (completion stage). Hiện tại đây là giai đoạn tự sinh khởi. Ý nghĩa của từng giai đoạn chúng ta sẽ bàn sau.
-
Khi đọc phát bồ đề tâm và quán tưởng cây quy y xong thì con hành trì đức Quan Âm Tứ Thủ, con có phải quán tưởng lại đức Quan Âm Tứ Thủ một lần nữa hay không, hay chỉ trì chú Om Mani Padme Hum?
Chủ đề khác
Tùy vào cách nào quý vị cảm thấy thuận tiện nhất.