Đây là một câu hỏi rất hay và rất quan trọng. Vấn đề của các cặp đôi hiện tại là tình yêu của họ phụ thuộc quá nhiều vào ích lợi của bản thân. Có một lần, một người đàn ông chuẩn bị cưới vị hôn thê của anh ta, và anh ấy muốn tôi chúc phúc cho đời sống hôn nhân của họ. Tôi hỏi anh ấy, “Vì sao anh muốn cưới vị hôn thê của anh?” Anh ấy nói rằng nếu cưới được cô ấy thì anh sẽ hạnh phúc hơn. Tôi nói với anh ta, “Điều đó rất sai lầm. Anh không nên nghĩ như vậy. Anh nên nghĩ rằng nếu cưới cô ấy thì cô ấy sẽ hạnh phúc hơn.” Do đó, tình yêu đó là tình yêu vị kỷ. Tôi có biết về một người khá rõ. Tôi nghe nói anh ta đã kết hôn và anh hỏi tất cả bạn bè cùng một câu hỏi. Anh ta hỏi, “Vợ tôi trông như thế nào? Cô ấy có đẹp không?” [Rinpoche cười] Anh ta đã cưới cô ấy rồi thì tại sao cần phải hỏi vợ mình trông như thế nào? Đây chính là tình yêu vị kỷ. Nếu quý vị thật sự quan tâm đến gia đình mình, quý vị không nên yêu thương vợ hoặc chồng mình với tâm vị kỷ. Tình yêu vị kỷ là một thứ tình yêu độc hại. Do đó, khoảng 3 hoặc 4 năm sau khi kết hôn với vợ hoặc chồng mình, quý vị sẽ bắt đầu chán và nghĩ đến những thứ khác. Có một câu chuyện vui nhưng có thật. Có lần tôi hỏi mẹ tôi, “Mẹ thấy ba có những điểm tốt nào không?” Mẹ tôi nói, “Không, ông ấy chẳng có điểm tốt nào cả!” [Rinpoche cười lớn] Khi quý vị chung sống cùng nhau, đặc biệt nếu quý vị là vợ chồng và đã có con cái, tình cảm của quý vị rất quan trọng, tình yêu thương của cha mẹ là điều rất quan trọng. Tôi luôn nói rằng khoảnh khắc hạnh phúc nhất tôi từng trải qua đó là khi tôi đi chơi cùng gia đình, tôi đi phía sau ba mẹ tôi và thấy ba mẹ tôi nắm tay nhau. Đó là một niềm vui mãnh liệt mà tôi từng trải. Chính vì vậy, khi quý vị sống chung, sự quan tâm lẫn nhau là điều quan trọng đối với con trẻ. Tôi nghe nói người Việt có câu tục ngữ “Văn mình, vợ người.” [Cũng có nguồn ghi là “Vợ người thì đẹp; Văn mình thì hay.”] Với tình yêu vị kỷ, quý vị cố so sánh bản thân với người khác quá mức. Điều đó tạo nên rất nhiều lỗi lầm. Tình yêu phải chân thành; tình yêu chân thành sẽ rất khác biệt. Khi quý vị mới yêu ai đó, ngay thời điểm đầu tiên, tình cảm rất chân thành. Dần dần, tình yêu đó chuyển hóa thành tình yêu vị kỷ. Dần dần, tư tưởng vị kỷ che phủ tình cảm đó. Tình yêu của một bà mẹ dành cho con mình là tình yêu đích thực. Tình yêu đó tồn tại mãi mãi. Mẹ tôi vẫn thường nói, “Dù đứa con có già đến 60 tuổi thì với mẹ vẫn như vậy mà thôi.”
Tôi muốn làm rõ một điều. Đôi khi tôi nói về tình cảm lứa đôi lãng mạn, nhưng quý vị đừng nghĩ rằng tôi đã trải qua những điều đó! Tôi là một tu sĩ [Rinpoche cười]. Một dịp nọ, có một bà mẹ cùng đứa con gái đến gặp một vị thầy. Đứa con gái vừa mới chia tay bạn trai. Người mẹ thỉnh cầu vị thầy khuyên giải con mình. Lúc đó, vị thầy già bắt đầu cho người con gái vài lời khuyên, “Đừng lo lắng dù con đã chia tay bạn trai.” Người con gái hỏi vị thầy, “Thầy đã từng trải qua tình yêu lãng mạn chưa?” Vị thầy trả lời, “Chưa.” Người con gái nói, “Vậy thì thầy không thể hiểu vấn đề phức tạp này đâu.” [Rinpoche cười] Ở đây, đừng nghĩ tôi giống vị thầy đó. Điều này giống một trò chơi của tâm mà thôi. Tôi đã học Phật pháp, và Phật pháp là một dạng khoa học về tâm. Tôi đã làm luận án tiến sĩ về lĩnh vực này.